Bật mí cách bảo quản thức ăn ngày Tết đúng cách
Tết nguyên đán tại Việt Nam là kì nghỉ lễ lớn nhất trong năm của nước ta, kéo dài từ 7-9 ngày. Do kì nghỉ dài như vậy, bà con có xu hướng dự trữ lượng lớn thức ăn để đón một cái Tết sung túc và đủ đầy cho cả đại gia đình cũng như tính toán mua dư ra để thiết đãi khách tới chơi nhà trong dịp đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, mỗi loại thức ăn có thời gian và cách dự trữ khác nhau để đảm bảo độ tươi ngon và tránh bị ôi thiu, thối, mốc… Để tránh làm lãng phí thức ăn và giúp thực phẩm luôn giữ được chất lượng và dinh dưỡng cao nhất, maynhabep.com xin gửi tới bạn đọc cách bảo quản thức ăn ngày Tết chuẩn nhất theo chia sẻ từ chuyên gia qua bài viết dưới đây.
Tổng hợp cách bảo quản thức ăn ngày Tết đầy đủ nhất
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: bánh chưng – bánh tét
Thông thường, sau khi luộc bánh chưng chín, bà con thường vớt bánh ra, rửa sạch lá trong nước cho hết nhựa và mỡ bám dính – là nguồn dinh dưỡng để nấm mốc phát triển mạnh rồi để ráo nước. Sau đó, xếp bánh ngay ngắn chồng lên nhau thành nhiều tầng, mỗi tầng dùng một miếng gỗ ván đặt trên mặt bánh và tầng trên cùng dùng vật nặng đè lên giúp ép nước thừa trong bánh ra ngoài. Bánh chưng sẽ chắc mịn hơn và tạo hình phẳng đều, vuông vức. Đặt như vậy trong vài tiếng hoặc qua đêm, sau đó treo bánh ở nơi khô ráo, thoáng mát, không bị ẩm thấp để tránh mốc và ôi thiu hoặc tích trữ trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Ở một số địa phương trước đây còn ngâm bánh xuống dưới ao hoặc giếng nước để bảo quản mà không lo bánh bị nhão, vữa do nước thấm vào nhờ lớp mỡ, nhựa ngoài bề mặt lá rất chắc chắn, như một tấm màng bảo vệ, ngăn chặn sự xâm nhập của nước từ bên ngoài.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: các loại mứt, trái cây, bánh kẹo cân
Mứt và trái cây khô, bánh kẹo cân chứa nhiều đường và bột nên rất dễ chảy nước, vừa làm mất mĩ quan, khiến ăn không còn ngon miệng, vừa là nguyên nhân khiến nấm mốc phát triển. muốn bảo quản đồ ăn vặt này được lâu, bà con cần cho thực phẩm vào lọ đậy kín, khi nào ăn mới bỏ lượng vừa đủ ra ngoài rồi lại đậy nắp cất trữ. Nếu đồ ăn còn thừa, cần dồn trở lại lọ luôn để bảo quản. Lưu ý: do đặc tính dễ hút ẩm, bà con không nên để những thực phẩm này vào tủ lạnh, vì khi bỏ ra ngoài, bánh mứt kẹo bị lạnh làm hơi ẩm xung quanh ngưng tụ và dễ bị làm ẩm, gây ra nấm mốc sau một vài ngày.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: dưa hành, củ kiệu
Một trong những cách bảo quản thực phẩm ngày Tết chính là muối chua, nhờ vi sinh vật lên men để bảo quản rau củ. Dưa hành, củ kiệu muốn lâu bị khú khi muối chua cần đảm bảo những điều sau trong quá trình chế biến:
– Không cắt vào phần củ khi sơ chế nguyên liệu, chỉ cắt sạch gốc.
– Đảm bảo để ráo nước sau khi rửa sạch hành củ, tránh làm dưa bị ỏng nước khi muối.
– Nước dùng để muối chua cần phải đun sôi thật kĩ, tiêu diệt hết vi khuẩn tồn tại trong nước.
– Cho lượng muối vừa đủ, nhạt quá dưa nhanh chua và nhanh khú, mặn quá dưa khó chua, ăn mất ngon.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: giò chả
Nếu mua cả cây giò, chả về dùng dần trong dịp Tết, bà con nên cho vào trong ngăn mát tủ lạnh tích trữ. Trong trường hợp ngăn mát tủ lạnh đã chật cứng các thức ăn tươi sống (có độ ưu tiên cao hơn) thì cần lột sạch lớp lá, lớp vỏ bên ngoài, tránh để giò, chả đổ mồ hôi. Rồi đậy bằng rổ có lỗ tại nơi kín gió. Nên ăn hết thực phẩm này trong 2 ngày, nếu chưa ăn hết, cần luộc, hấp hoặc rán lại trước khi sử dụng.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: thịt, cá kho
Thịt kho, cá kho là thức ăn đã được nấu chín và rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây ôi thiu. Do vậy, bà con cần cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn. Bất đắc dĩ phải bảo quản ở ngoài thì cần thực hiện theo hướng dẫn sau:
– Nấu chín kỹ thực phẩm rồi bắc xuống bếp và để tại nơi cố định, tránh rung lắc mạnh.
– Đặt cả nồi chứa thức ăn vào chậu nước hoặc nồi có kích thước lớn hơn và đổ nước vào lòng nồi lớn, sao cho mức nước dâng cách miệng nồi thịt, cá kho khoảng 10 -15cm rồi đậy kín lại.
– Nước có nhiệt độ mát hơn chất rắn và gần như không biến nhiệt. Hơi nước bay hơi lên, làm mát không khí trong nồi và tránh ôi thiu trong thời gian lâu hơn.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: măng khô
Măng khô phải ngâm nước rất lâu mới nở to để sử dụng làm thực phẩm, do vậy bà con có xu hướng ngâm số lượng lớn để dùng dần. Khi thực hiện ngâm măng khô, cần lưu ý một số điểm như sau:
– Cho măng vào nồi nước và đun sôi khoảng 30 phút rồi vớt ra.
– Cắt bỏ gốc già và rửa thật sạch.
– Ngâm măng trong nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội và dùng dần.
– Khoảng 2-3 ngày thay nước ngâm măng một lần.
– Để tránh làm măng bị ỏng, chỉ ngâm lượng vừa đủ ăn trong 2 -3 ngày. Nếu hết tiếp tục ngâm măng theo hướng dẫn bên trên.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: các loại thịt tươi sống
Các loại thịt tươi sống khi mua về có thể tích trữ ở ngăn đá và dùng dần trong khoảng 7 ngày. Nếu tích trữ ở ngăn mát tối đa dùng được 3 ngày. Dù bảo quản theo cách nào, bà con cũng cần lưu ý các điều sau đây để thịt luôn được tươi ngon, tránh biến chất:
– Cần làm sạch và để ráo nước trước khi bảo quản thịt.
– Cắt từng miếng theo lượng vừa đủ ăn trong một bữa. Lưu ý cắt sao cho diện tích bề mặt lớn nhất và độ dày mỏng nhất, giúp quá trình rã đông diễn ra nhanh chóng hơn.
– Bọc kĩ thực phẩm để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn bằng cách: cho vào hộp đậy kín, túi nilong buộc kín hoặc sử dụng màng bọc thực phẩm… trước khi cất vào tủ lạnh.
– Trước khi chế biến cần rã đông thực phẩm và nấu hết luôn trong khoảng 5-10 phút, tránh vi khuẩn phát triển mạnh.
– Không được xếp chồng các miếng thịt vào cùng một chỗ, sẽ rất khó khi lấy ra sử dụng, nên bọc tách rời từng miếng thịt trước khi xếp vào tủ lạnh.
– Đảm bảo túi/hộp đựng thực phảm có ít không khí nhất, bọc kín, tránh khí lọt vào bên trong tạo đá.
– Nếu để thịt trong ngăn mát cần lựa chọn vị trí mát nhất ở mức nhiệt khoảng 2 độ C và không để sát vào thành tủ lạnh.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: trứng
Trứng không nên buộc kín trong bao nilon mà cần bảo quản trong khay trứng đặt vào tủ lạnh. Nếu sử dụng trong vài ngày thì có thể để ở ngoài không khí, đặt trứng trên các bề mặt như: vải, giấy, trấu… có khả năng hút ẩm và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: rau, củ, quả tươi
Nếu nói đến cách bảo quản rau, củ, quả tươi, chắc hẳn bà con sẽ nghĩ ngay tới việc nhét hết vào trong ngăn mát tủ lạnh ở khay chứa rau quả chuyên dụng. Nhưng phương pháp đó chưa hẳn đã đúng, không phải rau củ quả nào cũng nên bảo quản trong tủ lạnh. Tham khảo cách bảo quản từng loại rau củ riêng biệt dưới đây để giữ chúng luôn tươi ngon và không hao hụt quá nhiều dinh dưỡng:
– Không nên rửa rau, củ, quả trước khi bảo quản, sẽ làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên, nếu nông sản bị bẩn có thể lau khô bằng khăn hoặc giấy.
– Bảo quản bơ: bọc quả bơ chưa chín bằng túi giấy hoặc tờ báo và để chỗ thoáng mát trong nhà. Khi bơ đã chín, cho vào túi bóng và để trong ngăn mát tủ lạnh.
– Ớt chuông, cà chua, dưa chuột nên xếp vào rổ và để ở chỗ thoáng mát, không nên để vào tủ lạnh.
– Trước khi cho chuối vào tủ lạnh, cần bọc thật kín cuống bằng màng bọc thực phẩm.
– Nếu rau củ đã được sơ chế mà chưa dùng hết cần cho vào lọ chứa nước và để trong ngăn mát tủ lạnh.
– Cho rau củ quả vào đúng ngăn chứa rau trong tủ lạnh, không nên để ở ngăn có nhiệt độ thấp.
– Nên bảo quản riêng rẽ từng loại, tránh trộn các loại nông sản khác nhau vào cùng một chỗ để bảo quản, sẽ đẩy nhanh tốc độ chín, khiến thực phẩm nhanh bị hỏng.
– Không cất tỏi nơi ẩm, thiếu ánh sáng, sẽ kích thích chúng nhanh nảy mầm.
– Khoai tây cần đặt nơi bóng râm, ánh sáng chiếu trực tiếp sẽ làm khoai nhanh thối.
– Đặt khoai tây cùng táo tàu sẽ tươi lâu hơn.
– Cắm măng tây, súp lơ vào cốc chứa nước sẽ tươi lâu hơn.
– Rau nên để thoáng mát ở ổ thưa mắt trong gian bếp.
– Cần tây nên bọc bằng giấy bạc trước khi cho vào tủ lạnh.
– Nho tươi lâu hơn nếu đựng trong túi nhựa trước khi bảo quản trong tủ lạnh.
Cách bảo quản thức ăn ngày Tết: thịt bò/thịt lợn khô
Nếu mua thịt bò, thịt lợn khô được chế biến sẵn ngoài thị trường thì chỉ cần bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu lấy đến đó. Còn nếu tự làm tại nhà, bà con lưu ý phải để thịt thật nguội rồi cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy kín rồi mới bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách chế biến thứ ăn thừa ngày Tết
Thức ăn còn thừa sau mỗi bữa ăn cần được cho vào các hộp riêng biệt và đậy kín hoặc bọc kín bằng nilon trước khi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Chỉ nên bảo quản thức ăn thừa không quá 2 ngày và trước khi ăn cần đun lại để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn có hại.
Tuy nhiên, bà con cần tránh đun nóng lại một số loại thực phẩm sau, tránh làm mất chất dinh dưỡng cũng như có khả năng gây ngộ độc: cơm, thịt gà, khoai tây, nấm, cải bó xôi, cần tây, trứng, củ dền và củ cải trắng.
Nếu đã chán những món ăn chế biến trong dịp Tết, bà con có thể sử dụng thức ăn thừa và biến tấu chúng thành những cách chế biến thơm ngon hơn như: thịt dùng để nấu đông hoặc làm giò bì, thực phẩm thừa cho nấu bún thang, làm nem cuốn, nấu phở…
Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh an toàn
– Chỉ nên dự trữ lượng thức ăn tối đa trong 3 ngày để đảm bảo độ tươi ngon, giữ được dinh dưỡng cũng như không làm “bội thực” tủ lạnh.
– Với thực phẩm bảo quản trên ngăn đá cần cắt nhỏ thành miếng đủ ăn trong 1 bữa và bọc kín.
– Thức ăn sống và thức ăn chín cần được để riêng rẽ, tránh trường hợp lây chéo vi khuẩn.
– Nên sơ chế và làm sạch thịt, cá trước khi tích trữ.
– Một số thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh cần lưu ý: bánh chưng, bánh tét, xôi… vì nếu để lâu chúng sẽ bay hơi nước, khiến khô lại như gạo.
Tham khảo các món ngon khác:
Bật mí cách bảo quản thức ăn ngày Tết đúng cách
Cách chặt thịt gà luộc đẹp cho mâm cơm cúng ngày lễ Tết
Bật mí cách chế biến các món ngon từ thịt lợn
Trên đây, maynhabep.com vừa gửi tới bạn tổng hợp chi tiết cách bảo quản thức ăn ngày Tết, giúp bạn giữ lại được trọn vẹn chất dinh dưỡng và giúp thực phẩm tươi ngon như mới để cho ra những món ăn ngon thiết đãi gia đình trong dịp tết đoàn viên cũng như tránh lãng phí thức ăn. Chúc các bạn đón Tết vui vẻ, ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.