Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt? Nên cúng chay hay mặn?
Ngày lễ Vu Lan sắp cận kề, rất nhiều người thắc mắc, đặc biệt là giới trẻ đặt ra câu hỏi: “Nên cúng rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt?”. Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về ngày lễ đặc biệt trong năm này và giúp có được 1 mùa vu lan báo hiếu đậm chất cổ truyền và ý nghĩa, maynhabep.com xin tổng hợp và giới thiệu đầy đủ các thông tin cần biết để chuẩn bị mâm cơm cùng rằm tháng 7 đủ đầy và đúng theo tục lệ xưa.
Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt? Những điều cần biết để chuẩn bị mâm cơm cúng rằm tháng 7 đủ đầy
Ý nghĩa của ngày rằm tháng 7
Ngày rằm tháng 7 hay còn biết đến với một cái tên khác là ngày lễ Vu Lan. Đây là một trong những ngày lễ chính của phật giáo với ý nghĩa cao cả là báo hiếu. Theo tục lệ của người Á Đông, rằm tháng 7 lần ngày xá tội vong nhân giúp những vong linh rũ bỏ được tội lỗi để siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Do vậy, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, những quốc gia theo tục thờ cúng tín ngưỡng như Việt Nam, Trung Quốc… thường tổ chức cúng bái, làm từ thiện, phóng sinh… để hồi hướng công đức cho những người đã khuất.
Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt nhất?
Mặc dù rằm tháng 7 mới là lễ cúng Vu Lan chính thức. Nhưng đa phần mọi nhà thường cúng sớm trong khoảng từ mồng 2 – 14/7 âm lịch hàng năm. Theo tín ngưỡng truyền lại, sau đêm mồng 1 cho tới 14/7 âm giới sẽ mở cửa để những linh hồn có thể trở về dương gian để thăm lại người thân. Do đó cúng trong khoảng thời gian này sẽ giúp người thân đã mất của chúng ta nhận được những lễ vật trên dương thế.
Vậy nên, cúng rằm tháng 7 không nhất thiết phải cúng vào đúng ngày 15/7 âm lịch mà có thể tiến hành trước sao cho chủ động thời gian và thành tâm là được. Theo các chuyên gia, mùa Vu Lan năm 2020 có thể tiến hành vào những ngày đẹp sau: mồng 7, mồng 8, 12 hoặc 14 tháng 7 âm lịch. Trong đó, ngày 12 được coi là ngày đẹp nhất vì trùng đúng vào chủ nhật, cả gia đình có cơ hội quây quần bên nhau, cùng nhau hành thiện tích đức và tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ.
Rằm tháng 7 nên cúng cỗ chay hay cỗ mặn?
Ngày lễ Vu Lan với mục đích chính là tưởng nhớ công ơn người đã khuất và giúp linh hồn siêu thoát. Nên nếu bạn hành thiện tích đức và ăn chay sẽ tăng thêm phần công đức cho người đã khuất. Việc cúng cỗ mặn vẫn được nhưng không tốt bằng cúng cỗ chay.
Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?
Tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình và theo tín ngưỡng tâm linh mà việc chuẩn bị số lượng và những lễ vật cúng sẽ khác nhau. Thông thường mâm cúng rằm tháng 7 sẽ bao gồm 3 mâm cúng chính như sau:
Mâm cúng Phật
Mâm cúng Phật vào ngày rằm tháng 7 chính là ngày lễ Vu Lan. Do vậy, khi chuẩn bị mâm cúng bạn nên lựa chọn các lễ vật và món ăn chay như:
- Hoa, trái cây
- Xôi chay
- Bánh chay
- Mâm cơm cúng thuần chay được làm từ rau củ quả, ngũ cốc và các món ăn chế biến dạng chay.
Mâm cúng rằm tháng 7 cho gia tiên
Mâm cúng gia tiên có thể làm cỗ chay hoặc mặn tùy vào tín ngưỡng tâm linh của mỗi nhà hoặc tùy vào điều kiện kinh tế. Nếu đơn giản bạn chỉ cần chuẩn bị hương hoa, trái cây để thắp hương. Long trọng hơn nữa sẽ làm mâm cơm cúng với những món ăn ngon và lễ vật thịnh soạn để tưởng nhớ tổ tiên.
Ngày nay, nước ta đã du nhập thêm việc đốt vàng mã và những vật dụng bằng giấy cho người cõi âm từ Trung Quốc, với mong muốn dưới âm giới linh hồn sẽ có cuộc sống đủ đầy như trên dương thế. Tuy nhiên tín ngưỡng này không có trong giáo giới của Phật Pháp.
Mâm cúng rằm tháng 7 ngoài trời (dành cho những vong linh không được thờ cúng)
Để phân phát phước đức và giúp linh hồn nhanh chóng siêu thoát, nên mâm cúng ngoài trời nên làm thuần chay, ngăn ngừa khơi dậy lòng tham của các cô hồn. Bạn nên chuẩn bị các lễ vật như: hoa quả, bánh kẹo, nước trái cây…
Theo quan niệm, cô hồn có những chiếc cổ rất bé, khó nuốt những loại thức ăn to lớn nên nhiều gia đình thường chuẩn bị những lễ vật dạng lỏng hoặc loãng để cúng như: nước mía, nước dừa, cháo loãng… Ngoài ra, một số gia đình còn chuẩn bị cả tiền vàng, quần áo bằng giấy, gạo, muối trắng, đường… để cúng.
Gợi ý một số món ăn chay đơn giản, dễ làm để cúng rằm tháng 7
Rất nhiều độc giả thắc mắc không biết chuẩn bị những món ăn chay nào để cúng rằm tháng 7. Để giúp quý vị và các bạn có được một mùa Vu Lan đủ đầy và ý nghĩa, maynhabep.com xin gửi gợi ý thực đơn và hướng dẫn chế biến mâm cúng chay hoàn thiện. Ngoài hoa, trái cây, bánh kẹo thắp hương, những món ăn chay bao gồm:
Xôi chay
Nếu không có thời gian, bạn có thể nấu xôi trắng rồi rắc một chút ruốc nấm lên trên là được. Còn muốn có đĩa xôi ngon và bắt mắt, bạn có thể nấu xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi dừa…. Maynhabep.com xin hướng dẫn bạn cách nấu xôi đậu xanh thơm ngon, giải nhiệt cơ thể.
Nguyên liệu nấu xôi đậu xanh
- 350g gạo nếp ngon (nên chọn gạo nếp cái hoa vàng)
- 150g đỗ xanh (còn nguyên vỏ và đã tách đôi hạt). Nếu không có thời gian chuẩn bị, bạn có thể mua sẵn gói đỗ xanh đã được xát vỏ ngoài hàng.
- ½ thìa cà phê muối hạt.
- 1 thìa canh dầu ăn.
Các bước nấu xôi đậu xanh
Bước 1: Ngâm riêng rẽ gạo nếp và đỗ xanh ngập nước trong khoảng 4 – 8 tiếng để hạt nở to. Lưu ý do thời gian ngâm khá lâu, nên cách 2 tiếng thay nước 1 lần để loại bỏ mùi hôi và chất bẩn có trong nguyên liệu. Sau đó đem vo gạo và để ráo nước. Đỗ xanh đem đãi sạch vỏ và để ráo.
Bước 2: Trộn đều gạo, đỗ xanh, muối đã chuẩn bị với nhau và ướp trong 15 phút. Đem đổ hỗn hợp vào nồi hấp điện để đồ xôi bằng hơi nước. Căn thời gian đồ trong khoảng 30 – 45 phút. Thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để xôi chín đều. Trong trường hợp gia đình không có nồi hấp điện có thể cho vào nồi hấp và đồ trên bếp ga.
Bước 3: Sau thời gian hấp, dỡ xôi ra mâm để nguội. Khi nào chuẩn bị cúng sẽ tiến hành đồ lại lần 2 để hạt xôi dẻo, ngon hơn. Nếu không có thời gian bạn có thể đồ xôi 1 lần và nâng thời gian đồ lên khoảng 1 – 1,5 tiếng đồng hồ.
Bước 4: Cho xôi vào nồi hấp điện và đồ lại lần nữa trong khoảng 30 phút. Trong thời gian đồ lại, nên cách 10 phút đảo đều 1 lần và dưới dầu ăn lên trên bề mặt để tăng độ bóng cho xôi.
Bước 5: Cho xôi ra đĩa và tạo hình đẹp mắt là đã hoàn thành.
Nem chay
Nem chay là một trong những món chay khá ngon và được nhiều tín đồ sành ăn yêu thích. Mâm cơm chay cúng rằm tháng 7 có thêm món ăn ngon này sẽ là sự lựa chọn rất hợp lý.
Nguyên liệu làm nem chay
- 2 tập vỏ bò bía (sử dụng vỏ bò bía cuốn nem chay sẽ ngon hơn. Nếu không mua được vỏ bò bía có thể sử dụng bánh đa nem thông thường).
- 50g miến
- 100g giá đỗ
- 1 củ cà rốt cỡ nhỏ, 1 củ hành tây cỡ nhỏ
- 3 tai mộc nhĩ, 10 tai nấm hương
- 5 củ hành lá, 1 mớ rau mùi
- 100 ml dầu ăn, 2 thìa hạt nêm chay
Cách chế biến món nem chay
Hành tây, giá đỗ, cà rốt, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, rau mùi đem rửa sạch, cắt rễ. Miến đem rửa sạch, ngâm nước cho nở ra. Mộc nhĩ và nấm hương làm tương tự, đem ngâm nước cho nở to (lưu ý không ngâm quá 2 tiếng đồng hồ để tránh phát sinh độc tố.
Đem thái sơ tất cả các nguyên liệu kể trên rồi cho vào máy xay rau củ đa năng để xay nhỏ. Nếu sử dụng thiết bị hữu dụng này, công đoạn sơ chế nhân nem chỉ diễn ra trong vòng 30 giây. Còn nếu chưa sắm sửa chiếc máy xay đa năng trong gian bếp, bạn sẽ cần từ 20 – 25 phút để ngồi thái và băm nhỏ hỗn hợp nguyên liệu trên.
Tiếp đến, trộn hỗn hợp nguyên liệu với hạt nêm chay thật đều và ướp trong khoảng 10 phút trước khi gói. Trải vỏ bò bía ra mặt phẳng, múc 1 thìa hỗn hợp cho vào giữa và cuốn nem chặt tay. Cuốn hết số nguyên liệu đã chuẩn bị.
Bắc chảo lên bếp, rót dầu vào chảo, đợi dầu nóng già hạ nhỏ lửa rồi cho từng chiếc nem vào chảo. Lưu ý, khi cho nem vào chảo, tiến hành lăn tròn nem trong chảo để nem bám dính, tránh bị bung vỏ và hạn chế bắn dầu.
Rán vàng đều các mặt của chiếc nem rồi gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu. Trang trí nem ra chiếc đĩa khác sao cho đẹp mắt là đã hoàn thành.
Canh nấm hạt sen chay
Đây là món canh giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Hương vị thơm ngon của món canh giúp thanh nhiệt, thải độc cơ thể và tịnh tâm trong ngày lễ Vu Lan.
=> Tham khảo: Các món canh chay
Nguyên liệu nấu canh nấm hạt sen chay
- 100g hạt sen tươi. Nếu không có hạt sen tươi có thể sử dụng hạt sen khô ngâm nở trước khi chế biến.
- 1 bắp ngô ngọt.
- 100g nấm rơm.
- 1 củ cà rốt.
- 5 tai nấm hương.
- 2 thìa hạt nêm chay.
- 1 mớ mùi.
Các bước nấu canh nấm hạt sen chay
Nấm hương đem ngâm với nước cho nở to. Rửa sạch nấm hương, ngô, hạt sen, cà rốt. Mùi cắt rễ, rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng trong khoảng 5 phút.
Cho hạt sen vào nồi với 1 lít nước và hầm trong khoảng 30 phút. Ngô đem cắt khoanh dày khoảng 2cm. Cà rốt gọt vỏ, cắt khúc 2 cm rồi tỉa hoa cho đẹp mắt.
Sau khi hầm hạt sen theo thời gian quy định, bỏ ngô, cà rốt vào đun thêm 15 phút trước khi cho nấm hương, nấm rơm và hạt nêm chay vào. Đun thêm 10 phút nữa thì tắt bếp, rắc mùi thái nhỏ vào và múc ra bát trình bày.
Salad rong biển
Salad rong biển là nguồn bổ sung protein tuyệt vời cho những tín đồ ăn chay. Cùng học cách làm salad rong biển nhanh chóng, ngon miệng bên dưới nhé!
Nguyên liệu làm salad rong biển
- 15g rong biển khô (sử dung rong biển lá to thường để nấu canh)
- 200g các loại xà lách
- 100g khoai lang
- 1 quả cam
- 40g xì dầu
- 20g đường
- 1 thìa cà phê mè đen
- 1 thìa canh dầu mè
- Nửa thìa canh giấm táo
Các bước làm salad rong biển
Ngâm rong biển trong nước sạch cho tới khi rong biển nở to ra rồi vớt ra để ráo nước. Xà lách mang đi rửa sạch, nhặt bỏ lá sâu úa, cọng già rồi ngâm nước muối trong khoảng 10 phút.
Cam bóc vỏ, tách múi, bỏ hạt. Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi cho vào máy cắt rau củ quả để bào mỏng dạng to bản (như làm bim bim) cho đẹp mắt. Nếu sử dụng dao thái thì miếng khoai thường nhỏ, vụn và không đẹp mắt. Cho khoai lang vào chiên giòn rồi vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Cho xì dầu, đường, dầu mè, giấm táo vào trong chiếc bát to rồi quấy đều lên rồi tiến hành đổ xà lách, rong biển, khoai lang vào bát. Dùng đũa đảo đều tay, nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút rồi rắc thêm hạt mè và cam vào đảo thêm 30 giây là được.
Chả đậu phụ chay
Chả đậu phụ chay là món ăn có mùi thơm hấp dẫn của cốm, vị béo bùi của đậu phụ và mềm mọng của những hạt cốm non đầu mùa sẽ khiến bất kì ai thưởng thức thương nhớ mãi không thôi.
Nguyên liệu làm chả đậu phụ chay
- 2 bìa đậu phụ
- 50g cốm tươi
- 1 củ hành khô
- 2 thìa cà phê hạt nêm chay, 100 ml dầu thực vật, 2 thìa canh bột bắp hoặc bột mì đều được
Các bước làm chả đậu phụ chay
Hành tím đem bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Đậu phụ cho vào bát dầm nát nhuyễn. Cho hành tím, bột bắp, hạt nêm chay vào trong bát đậu phụ rồi đảo đều lên. Tiếp đến mới cho cốm và 1 thìa dầu ăn vào đảo trộn đều. Mục đích cho dầu ăn vào để tránh làm hỗn hợp quá dính, khó tạo hình.
Đem nặn chả thành những viên tròn dẹt có kích cỡ khoảng 7cm và dày 1cm. Không nên làm quá mỏng sẽ khiến món ăn giòn, bã. Đem chả bỏ vào nồi hấp điện hấp trong khoảng 5 phút. Hấp sơ không chỉ đảm bảo miếng chả chín đều mà còn hạn chế quá trình hút dầu khi chiên, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm bớt độ ngấy của món ăn.
Vớt chả ra đĩa cho nguội rồi đem chiên vàng trong chảo dầu. Đợi khi chả chín vàng đều 2 mặt thì tắt bếp và gấp ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Tham khảo các món chay ngon khác:
Giới thiệu món chay ngon dễ làm với các món ăn từ chả chay
Gợi ý thực đơn mâm cỗ chay ngon cho ngày rằm
Những lưu ý để áp dụng thực đơn ăn chay đầy đủ dinh dưỡng và thực đơn ăn chay 1 tuần đầy đủ TẠI ĐÂY
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong cách làm mâm cơm chay cúng rằm tháng 7. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn trả lời được câu hỏi cúng rằm tháng 7 vào ngày nào thì tốt. Chúc bạn và gia đình có một mùa Vu Lan ý nghĩa và hạnh phúc.